Căn bệnh ung thư “tội phạm” lây lan ở Đông Nam Á

Read in English Read in မြန်မာ Read in แบบไทย

Trong chính quyền yếu kém ở quanh các khu vực do nhóm tội phạm kiểm soát trên sông Moei ngăn cách Thái Lan và Myanmar, một cuộc trấn áp các băng đảng xã hội đen có vũ trang sẽ diễn ra như thế này: Trung Quốc gây sức ép lên chính quyền quân sự Myanmar - đôi khi là tay sai của Bắc Kinh - buộc Thái Lan phải cắt điện đối với một trung tâm cờ bạc và lừa đảo lớn do các băng nhóm tội phạm Trung Quốc cầm đầu ở bên kia sông của Myanmar. Lực lượng Biên phòng do quân đội giám sát trong khu vực, cấu kết với các băng nhóm tội phạm, đáp trả bằng những lời đe dọa đóng cửa biên mậu. Sau đó, những chiếc máy phát điện khổng lồ xuất hiện trong khu vực được bộ đội biên phòng và các băng đảng tội phạm lắp đặt. Quân đội không có bất kỳ hành động nào và không giải thích. Bản thân các chỉ huy, nếu không muốn nói là quân đội, được cho là hưởng lợi từ hoạt động tội phạm. Mọi hoạt động vẫn diễn ra như thường lệ.

Một trạm kiểm soát quân sự dọc biên giới với Myanmar, ở Mae Sai, Thái Lan, ngày 9/5/2012. (Giulio Di Sturco/International Herald Tribune)
Một trạm kiểm soát quân sự dọc biên giới với Myanmar, ở Mae Sai, Thái Lan, ngày 9/5/2012. (Giulio Di Sturco/International Herald Tribune)

Về cơ bản, mọi chuyện diễn ra như vậy ở biên giới vô luật pháp của Myanmar, mặc dù có sự khác biệt về địa lý và đặc thù của địa phương. Cuối năm ngoái, người ta bắt đầu nhận thấy các ổ tội phạm ở Myanmar như ung thư đang di căn. Do đó, giới truyền thông, các tổ chức xã hội dân sự và chính quyền ngày càng lớn tiếng kêu gọi hành động để giải quyết vấn đề này. Mặc dù bản thân các khu vực này không phải là một hiện tượng mới, song một diễn biến đáng kinh tởm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với cộng đồng quốc tế: Sau khi Bắc Kinh áp dụng các biện pháp chống Covid-19 khiến người lao động Trung Quốc phải chạy trốn về nhà, những kẻ cầm đầu các băng nhóm tội phạm bắt đầu dụ dỗ người tìm việc từ khắp nơi trên thế giới bằng những lời chào mời đầy hấp dẫn trong lĩnh vực công nghệ cao, sau đó đưa họ qua biên giới để lao động như nô lệ trong không gian mạng trong các vụ lừa đảo tài chính.

Bất chấp việc người ta ngày càng nhận thấy các khu vực này là mối đe dọa an ninh toàn cầu, song gần như không có gì thay đổi ở đó. Mọi cuộc tấn công đều bị cản trở bởi sự đan xen lợi ích trong các khu vực này - các băng nhóm tội phạm có tổ chức hùng mạnh, các nhóm vũ trang địa phương, chủ quyền bị chia năm sẻ bảy cùng với tham nhũng, trong đó thành phố cờ bạc và lừa đảo Shwe Kokko nằm ở vị trung tâm.

Quân đội Myanmar không muốn và cũng không có đủ khả năng quản lý Lực lượng Biên phòng (BGF) của họ, càng không thể hạn chế phạm vi hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia trong các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của BGF. Phần lớn đất nước bị lôi kéo vào cuộc cách mạng toàn diện chống lại chính quyền quân sự, nằm ngoài tầm với của lực lượng quá mỏng của quân đội. Mọi thứ sẽ đều tùy thuộc vào các quốc gia láng giềng, trên cơ sở hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật quốc tế, để chặn đứng việc tiếp cận các mối quan hệ và nguồn tài nguyên xuyên biên giới quan trọng. Đối với Hoa Kỳ, vốn đã là nạn nhân, làn sóng tội phạm này rõ ràng là một mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải có các biện pháp xử lý mạnh mẽ.

BGF và các băng nhóm tội phạm của họ bám rễ sâu hơn ở Myanmar

Ít nhất có 17 khu vực tội phạm riêng biệt tạo không gian khoảng 5 triệu mét vuông cho tội phạm dọc theo khúc sông Moei dài 31 dặm ở biên giới Myanmar với Thái Lan.

Bất chấp các biện pháp kiểm soát và đóng cửa biên giới nghiêm ngặt trong đại dịch COVID-19, các khu vực này đã mở rộng quy mô đáng kể sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021. Ví dụ, khu công viên KK khét tiếng — giật gân trên Tik-Tok chuyên thu mua và bán nội tạng của những nạn nhân buôn người khi từ chối tham gia lừa đảo – đã tăng từ 26 lên hơn 75 cơ sở từ năm 2021 đến tháng 5 năm 2023.

Đầu năm ngoái, hoạt động tội phạm đã khiến công dân của hơn 46 quốc gia trở thành nạn nhân, trong đó phần lớn số họ bị buôn bán vào Myanmar thông qua Thái Lan. Mặc dù giới truyền thông và lực lượng thực thi pháp luật quốc tế đã nâng cao nhận thức về vấn đề này, song các băng đảng vẫn tiếp tục mở rộng khả năng thâm nhập vào các nền tảng tuyển dụng trực tuyến, lập các công ty và mạng lưới tuyển dụng lừa đảo, cấu kết với bọn buôn người và mở cửa hàng ở những lãnh địa mới trên khắp Myanmar.

Đến tháng 3 năm 2023, hoạt động tội phạm có tổ chức ngày càng gia tăng ở Karen, bắt đầu gây ra áp lực hành động ngày càng lớn ngay cả đối với những nhân vật phản kháng. Các tổ chức xã hội dân sự ở Karen bày tỏ mối quan ngại các hoạt động mờ ám của BGF có nguy cơ làm suy yếu quản trị và triển vọng dân chủ và tự trị ở Karen, trong bối cảnh có nghi ngờ ngày càng nhiều thủ lĩnh phản kháng ở Karen có dính líu tới các phi vụ làm ăn của BGF.

Vào tháng 4, căng thẳng bùng phát thành xung đột vũ trang khi một liên minh bao gồm các lực lượng vũ trang ủng hộ dân chủ tấn công đế chế tội phạm BGF ở Shwe Kokko và các cơ sở kinh doanh bất hợp pháp khác của BGF ở thị trấn Myawaddy. “Shwe Kokko là hang ổ buôn bán ma túy và tình dục, tài trợ cho chế độ quân sự bằng tiền bẩn,” họ đã lên án như vậy. Chính quyền quân sự đã đáp trả bằng lực lượng hỗn hợp bao gồm BGF và bộ binh, ngăn chặn đà tiến lên của du kích kháng chiến, dẹp tan một nhóm dân phòng chủ chốt và bắt hàng chục con tin. Như vậy, chính quyền quân sự tự hào chứng minh quyết tâm giữ vững Shwe Kokko là vùng an toàn cho tội phạm.

Trò lừa đảo trực tuyến — 'vỗ béo lợn để giết ' — vươn tầm quốc tế

Ban đầu tập trung vào cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp, những kẻ cầm đầu các băng đảng tội phạm bây giờ tập trung vào một hình thức lừa đảo mới được gọi là “vỗ béo lợn để giết” hay gọi là "sha zu pan" trong tiếng Trung. Trò lừa đảo này bắt nguồn từ Trung Quốc vào khoảng năm 2018. Khi Covid làm giảm lợi nhuận từ cờ bạc, các băng nhóm tội phạm có liên quan đến Trung Quốc đã đẩy mạnh hình thức này.

Cách thức hoạt động như sau: Những kẻ lừa đảo dụ dỗ nạn nhân tiềm năng tin vào các mối quan hệ trực tuyến trong một thời gian dài. Cuối cùng, kẻ lừa đảo đề xuất ý tưởng đầu tư nhỏ và thường xuyên chuyển lợi nhuận cho nạn nhân dựa trên những nền tảng giao dịch trực tuyến có vẻ hợp pháp. Quá trình này, được gọi là “vỗ béo”, tiếp tục cho đến khi nạn nhân cảm thấy đủ an toàn để giao số tiền đáng kể. Kẻ lừa đảo sau đó “làm thịt con lợn” và biến mất cùng số tiền.

Một số băng nhóm đang phát triển các dạng trí tuệ nhân tạo mới để phát hiện nạn nhân tiềm năng trên các trang mạng xã hội của phương Tây và WhatsApp hoặc để nâng cao hiệu quả của các trò lừa đảo. Điều đó bao gồm việc sử dụng AI tạo sinh để tạo ra những hình ảnh và nội dung video cho các trò lừa đảo, cũng như ChatGPT để lên kịch bản và nội dung.

Quân đội và BGF bảo kê cho các lãnh địa tội phạm của Myanmar

Trở ngại chính cản trở việc ngăn chặn sự lây lan của tội phạm có tổ chức ở Myanmar là hỗn loạn về quản trị và tình trạng vô luật pháp bắt nguồn từ cuộc đảo chính quân sự tháng 2 năm 2021. Mặc dù chính phủ dân cử tìm cách ngăn chặn làn sóng xã hội đen Trung Quốc tràn vào, song chính quyền quân sự đã đảo ngược những nỗ lực đó sau cuộc đảo chính, và các hoạt động bất hợp pháp nhanh chóng được mở rộng.

Tâm điểm của câu chuyện đó là Lực lượng Biên phòng Karen có trụ sở chính ở ngay giữa thủ phủ tội phạm Shwe Kokko.

Sự trỗi dậy của lực lượng BGF Karen, ít nhất trên danh nghĩa hoạt động dưới sự kiểm soát của Quân đội Myanmar, đã được đẩy nhanh bởi cuộc đảo chính và mối quan hệ của nó với các trùm tội phạm Trung Quốc.

Lực lượng BGF Karen nổi lên từ cuối những năm 2000, bắt nguồn từ một nhóm sắc tộc có vũ trang mang tên là Quân đội Nhân từ Dân chủ Karen. Trong giai đoạn 2017-2019, lực lượng này đã tạo dựng liên minh với hai tội phạm chủ chốt người Trung Quốc là She Zhijiang, kẻ cầm đầu Yatai International Holding và Wan Kuok-Kui (hay còn gọi là Broken Tooth), một thủ lĩnh tam điểm cầm đầu một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia mang tên Hội Văn hóa và Lịch sử Thế giới Hongmen. BGF đã cấp đất và yểm trợ cho hai thành phố cờ bạc bất hợp pháp lớn đầu tiên mọc lên gần biên giới Thái Lan - Shwe Kokko và Saixigang (nay được gọi là Khu Dongmei).

Khi cảnh sát Thái Lan bắt giữ She Zhijiang vào tháng 8 năm 2022, sự vắng mặt của hắn giúp BGF nắm quyền kiểm soát một đế chế tội phạm khổng lồ, nhờ đó làm gia tăng đáng kể sự giàu có và quyền lực của lực lượng này. Trong khi đó, Wan Kuok-kui, đối tượng bị Hoa Kỳ trừng phạt vào tháng 12 năm 2020, đã chuyển đến Trung Quốc, dường như tập trung để rửa hàng trăm triệu đô la vào nền kinh tế Trung Quốc. Động thái của hắn rõ ràng đã mang lại cho BGF quyền kiểm soát thậm chí còn rộng lớn hơn đối với các hoạt động tội phạm ở khu vực này.

Ngay từ khi bắt đầu nổi lên ở Myanmar, các khu vực tội phạm tự trị đã dựa vào các thủ lĩnh BGF Karen để có được không gian an toàn. Bằng cách đảm bảo an ninh, kiểm soát thương mại tiểu ngạch và xử lý mối quan hệ với các nhóm vũ trang đối thủ và quân đội Myanmar, BGF và lãnh đạo của chúng là một trong những bên hưởng lợi lớn nhất từ hoạt động bất hợp pháp.

Lợi nhuận từ việc cấu kết làm ăn đã được đầu tư nâng cấp vũ khí công nghệ cao và các thiết bị quân sự khác cho BGF, dưới sự chỉ huy của Đại tá Chit Thu và đồng nghiệp của hắn, Thiếu tá Mote Thon. Quả thực, vũ khí của lực lượng Chit Thu vượt trội về chất lượng so với Quân đội Myanmar, khiến BGF của hắn trở thành một trong những đơn vị có khả năng gây sát thương lớn nhất dưới sự “chỉ huy” của quân đội.

Thái Lan nhìn thấy mối đe dọa nhưng không đạt được tiến bộ nào

Để tìm kiếm ảnh hưởng và hỗ trợ vật chất, BGF và các băng nhóm tội phạm Trung Quốc đã đổ tiền đầu tư vào Thái Lan. Chúng sử dụng nước này làm bàn đạp để đưa người vào các lãnh địa tội phạm và truy cập internet và nguồn điện cần thiết cho hoạt động của chúng. Thái Lan cũng là nguồn cung cấp và tuyến đường trung chuyển cho các loại vũ khí và thiết bị tinh vi của BGF - được thực hiện dễ dàng nhờ sự kiểm soát của BGF tại các cửa khẩu thương mại song phương.

Đến giữa năm 2022, chính quyền Thái Lan ngày càng lo ngại về cái mà họ gọi là “doanh nghiệp mờ ám của Trung Quốc ” và tình trạng bùng nổ đưa người Thái và hàng chục nghìn người nước ngoài vào Myanmar. Hàng loạt vụ giết người, đấu súng và tin đồn về người Trung Quốc bắt cóc, hành hung hoặc tra tấn nạn nhân trên đất Thái Lan đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trong dư luận.

Do đó, Thái Lan đã bắt đầu ra tay. Trùm tội phạm Yatai She Zhijiang sắp bị dẫn độ về Trung Quốc. Một ủy ban công tác của Thái Lan đã được thành lập để trấn áp nạn buôn người. Cơ quan thực thi pháp luật của Thái Lan đã được huy động để điều tra “hoạt động kinh doanh mờ ám” của người Trung Quốc. Vào tháng 6 năm 2023, cảnh sát Thái Lan đột kích văn phòng Hongmen ở Thái Lan , bắt giữ tên tội phạm khét tiếng thứ hai liên quan đến Shwe Kokko mang tên Yu Xinqi, và chiêu mộ các ông chủ của một số hộp đêm độc quyền phục vụ các trùm tội phạm Trung Quốc.

Tuy nhiên, cho đến nay, các biện pháp này đã không làm giảm được hoạt động tội phạm của Myanmar trên lãnh thổ Thái Lan. Việc xây dựng tiếp tục diễn ra xung quanh Mae Sot và những đối tượng mới đang nổi lên dọc biên giới Thái Lan về phía bắc Myanmar do Quân đội bang United Wa kiểm soát.

Trong khi đó, lực lượng BGF Karen đã trắng trợn coi thường những nỗ lực thực thi pháp luật của Thái Lan. Khi cảnh sát Thái Lan bắt She Zhijiang, phát ngôn viên của BGF tuyên bố công khai rằng việc bắt giữ sẽ không “gây tổn hại đến hoạt động bình thường” ở Shwe Kokko. Khi Thái Lan cắt điện cho các khu biên giới vào đầu tháng 6 năm 2023, BGF đe dọa đóng cửa khẩu biên giới lớn nhất đối với thương mại song phương. Sau khi Thái Lan siết chặt nguồn điện, BGF tăng cường nhập khẩu dầu diesel cho các máy phát điện, biến việc trấn áp thành cơ hội kiếm tiền.

Ngay cả những động thái của Trung Quốc nhằm kiềm chế các băng nhóm tội phạm cũng không đem lại kết quả như mong muốn
Với mục tiêu chính nhằm vào các hoạt động lừa đảo, Trung Quốc đã thực hiện các bước đi quan trọng để hạn chế các trò lừa đảo để bảo vệ công dân và mối quan hệ của họ với khu vực Đông Nam Á. Bắc Kinh đã tăng cường các yêu cầu phòng chống rửa tiền đối với các ngân hàng, cắt đứt khả năng truy cập của tội phạm vào viễn thông Trung Quốc bằng cách kiểm soát WeChat, nâng cao nhận thức của công chúng về nạn buôn người và cấm xuất cảnh đối với nhiều người Trung Quốc đến Đông Nam Á.
Rất tiếc, không có biện pháp nào nào trong số đó ngăn được sự lan rộng của tội phạm trong khu vực. Trái lại, các băng đảng xã hội đen đã đối phó, tập trung nhiều hơn vào các thị trường bên ngoài Trung Quốc và hoạt động tinh vi hơn để lừa đảo thanh niên tìm việc ở Trung Quốc.

Tháng trước, các cơ quan chức năng Trung Quốc yêu cầu chính quyền quân sự trấn áp các hoạt động tội phạm nhằm vào công dân Trung Quốc đến từ Myanmar. Cho đến nay, Chit Thu và lực lượng BGF của hắn vẫn đang hoạt động mà không bị trừng phạt. Điều đó cho thấy rõ rằng ngay cả một chiến dịch quân sự - giống như chiến dịch do các lực lượng ủng hộ dân chủ phát động vào tháng 4 - sẽ không thể đánh bật được tội phạm. Nhìn vào tấm gương đó, các lực lượng dân quân vũ trang khác đang xây dựng các lãnh địa riêng của chúng với tốc độ đáng báo động.

Chỉ có cách tiếp cận phối hợp xuyên quốc gia mới có thể ngăn chặn sự lây lan của tội phạm ở Myanmar
Để ngăn chặn sự gia tăng của các mạng lưới tội phạm này đòi hỏi phải có nỗ lực phối hợp quốc tế. Hoa Kỳ có khả năng có thể đóng vai trò dẫn đầu, hợp tác với các nước khác để trừng phạt BGF và cắt các dịch vụ viễn thông đối với tất cả các lực lượng dân quân tội phạm ở Myanmar. Điều này đòi hỏi sự phối hợp cẩn trọng với các nước láng giềng và các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế khác. Việc hồi hương một lượng lớn nạn nhân bị buôn bán toàn cầu ở Myanmar sẽ cần một chiến dịch xuyên biên giới quy mô lớn.


PHOTO: Một trạm kiểm soát quân sự dọc biên giới với Myanmar, ở Mae Sai, Thái Lan, ngày 9/5/2012. (Giulio Di Sturco/International Herald Tribune)

The views expressed in this publication are those of the author(s).

PUBLICATION TYPE: Analysis